TIN TỨC
Vu Lan báo hiếu: Ngày tri ân công ơn cha mẹ
Tháng 7 lễ Vu Lan đã trở thành nét đẹp truyền thống về đạo hiếu của Phật giáo nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam nói chung, là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống của mỗi người dân nước ta. Trong truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của dân tộc ta, báo hiếu, báo ân tổ tiên, ông bà cha mẹ là một trong những sự tri ân quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan.
Lễ Vu Lan là gì?
Ý nghĩa của chữ “Vu Lan”: “từ Vu Lan không phải là chữ Hán mà được dịch từ tiếng Phạn, đó là Ullambana, dịch ra chữ Hán là Giải đảo huyền, trong tiếng Hán không có từ tương đương nên chúng ta dịch nguyên nghĩa từ tiếng Phạn là Vu Lan Bồn. Nghĩa của từ Ullambana hay Vu Lan Bồn này chính là Giải đảo huyền. “Đảo” là lộn ngược, “huyền” là treo lên, “giải đảo huyền” nghĩa là hóa giải tội bị treo ngược.”
Ngoài ra một vị phật sư còn giải thích thêm: “Lễ Vu Lan gọi là Giải đảo huyền, là cứu nạn bị treo ngược trong địa ngục, mà nói chung là cứu cái khổ cho những chúng sinh bị đọa trong địa ngục. Những chúng sinh đó bị đọa địa ngục là do khi ở trên dương thế tạo các tội lỗi nặng nề. Vì vậy, Lễ Vu Lan là lễ có ý nghĩa cứu khổ trong địa ngục và từ đó có nghĩa là con cháu báo hiếu cho cha mẹ, tiên tổ”.
Nguồn gốc của ngày lễ Vu Lan
Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế, có gia đình bà Thanh Đề rất giàu sang, trưởng giả, có người con là Mục Kiền Liên. Sau đó, Mục Kiền Liên xuất gia tu hành theo Đức Phật và chứng đạo Thánh quả A-la-hán, là đệ tử thần thông bậc nhất trong các đệ tử của Phật. Sau khi chứng đắc, Ngài nghĩ đến mẹ và rất thương mẹ. Ngài dùng thiên nhãn soi khắc các cõi luân hồi để tìm mẹ. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bụng to như cái trống, cổ nhỏ như cây kim, vô cùng đói khát và khổ cực. Biết đó mà mẹ của mình, Ngài Mục Kiền Liên rất thương cảm. Ngài đi khát thực xin được một bát cơm đầy và dùng thần thông của mình xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm cho mẹ.
Khi còn tại dương gian, bà Thanh Đề vốn có bản tính ích kỉ, tham lam. Mặc dù con là Ngài Mục Kiền Liên đi tu theo Phật, là đại đệ tử của Phật nhưng bà lại không tin Tam Bảo và nhân quả. Vì bản tính tham lam ích kỉ đấy nên khi thấy con xuống dâng cho mình bát cơn, bà rất mừng, nhưng lại sợ những ngạ quỷ xung quanh nhìn thấy và giành mất phần ăn nên bà lấy tay che lại, vì vậy khi đưa thức ăn lên miêng thức ăn hóa thành lửa đỏ, không thể ăn nổi. Nhìn thấy cảnh khổ cực của mẹ, Mục Kiền Liên rất đau xót, mặc cho Ngài dùng bao nhiêu thần thông cũng không thể giúp mẹ được. Ngài biết đấy là nghiệp của mẹ nên đã trở về xin Đức Phật cách cứu mẹ. Khi đó, Đức Phật dạy Mục Kiền Liên chờ đến tháng 7 Âm lịch là ngày chư Tăng tụ tứ, kết thúc 3 tháng an cư kiết hạ và cúng dường lên chúng Tăng. Bởi trong 3 tháng này, chư Tăng thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, tinh tấn tu hành trong hòa hợp thanh tịnh nên công đức tu tập rất lớn. Cho nên, Đức Phật dạy Ngài Mục Kiền Liên chờ đến mùa kết khóa an cư và dâng vật phẩm cúng dường lên chúng Tăng sẽ được phước báu rất lớn. Và phần phước ấy hồi hướng cho mẹ của Ngài thì có thể cứu được bà. Vâng theo lời Phật dạy, Ngài Mục Kiền Liên tổ chức đại lễ cúng dường Đức Phật và thập phương tăng nhân ngày tự tứ. Sau khi chư Tăng thọ thực và chú nguyện phần phước báu cúng dường thì lập tức bà Thanh Đề chuyển được ác tâm, thoát kiếp ngạ quỷ và sinh về cõi Trời. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ thì cũng làm theo cách này.
Ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan báo hiếu
Theo lời một vị phật sư chia sẻ: “ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan trong tháng 7 này là nhân mùa Tăng chúng kết thúc an cư kiết hạ, chư Phật dạy hàng Phật tử tại gia có tín tâm với Tam Bảo phát tâm đến chùa cúng dường Tam Bảo, chúng Tăng, để lấy công đức phước báu đó hồi hướng cho những người đã quá vãng trong gia tiên quyến thuộc nhà mình. Nhờ phúc báu được hưởng, mà họ được tiêu trừ các nghiệp chướng từ nặng thành nhẹ, từ nhẹ được hết, từ nhẹ được siêu lên. “Siêu lên” không phải là lập tức vong linh được bay lên trời ngay, mà là từ cõi thấp, trong trạng thái rất đau khổ, vong linh được bớt khổ hơn. Có thể là vong linh từ trong địa ngục ngàn vạn năm thì giảm xuống chỉ còn ở trong địa ngục vài trăm năm, vài chục năm; nhẹ nữa thì có thể được ra khỏi địa ngục và tái sinh về cõi khác, có thể sang cõi ngạ quỷ, hoặc về làm súc sinh đỡ chịu khổ hơn. Rồi nhẹ nữa thì từ ngạ quỷ có thể tái sinh lên làm người, hoặc là từ súc sinh thì bỏ thân súc sinh mà tái sinh làm người, hoặc cũng có trường hợp từ ngã quỷ có thể sinh lên cả chư Thiên. Đấy đều được gọi là siêu thăng, “siêu” nhẹ lên, “thăng” là bay lên”.
Bởi tháng 7 Vu Lan là thời điểm công đức tu tập của chư Tăng rất lớn; cho nên nhờ công đức của thập phương Tăng chứng minh, chúng ta cúng dường Tam Bảo nhân dịp này sẽ được phước báu lớn. Lấy phước báu lớn đó hồi hướng cho quyến thuộc đã quá vãng thì họ sẽ được hưởng phước báu đó và nhẹ bớt nghiệp, và có thể siêu sinh về cõi lành. Lễ Vu Lan không chỉ giúp gia tiên đã mất được bớt khổ trong cảnh giới ác; mà ngày này cũng có ý nghĩa báo hiếu cha mẹ của mình.
Làm gì vào ngày lễ Vu Lan
Vu lan báo hiếu 2020 rơi vào ngày 2/9 dương lịch. Theo thông lệ hàng năm của người theo đạo Phật, vào ngày này, những người con thường có một số hoạt động thể hiện lòng thành tâm của mình với ông bà, cha mẹ.
Hoạt động phổ biến nhất là đến chùa cầu kinh với mong muốn những người đã khuất và chúng sinh được yên nghỉ, còn những người đang sống có sức khoẻ, hạnh phúc.
Ngoài ra, mọi gia đình đều chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên, cúng phóng sinh cho các linh hồn để báo hiếu và tỏ lòng thành. Ăn chay cũng là một hoạt động trong ngày lễ Vu Lan.
Vào ngày này, các phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích đức, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc, tăng thọ, hoá giải nghiệp chướng…
Với những người còn bố mẹ, có thể dành tặng những lời chúc, những món quà ý nghĩa cho bố mẹ mình.
Ngoài ra, lễ Vu Lan ở Việt Nam còn có nghi thức cài hoa hồng lên ngực áo. Ai vẫn còn cha mẹ thì cài hoa hồng đỏ, ai đã mất mẹ cài hoa hồng trắng. Đây là một nghi lễ được thực hiện từ thập niên 60 do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng.
Trong thời đại ngày nay, tinh thần đạo hiếu cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau.
Xem thêm các mẫu hoa và đồ trang trí quà tặng tại Sakura Dekor tại đây